top of page

Những tay chơi trong mùa bánh Trung Thu

Updated: Apr 27, 2022

Trong năm 2020 này, có những kiểu thương hiệu nào tham gia vào cuộc chơi với bánh Trung Thu? Những thương hiệu đó có gì đặc sắc, thú vị và khác biệt? Hãy cùng Cooked khám phá nhé!


1. Thương hiệu bánh Trung thu “cây đa cây đề”

Với tôi, đây sẽ là nhóm thương hiệu dẫn đầu trong làng bánh Trung Thu, cả về sức ảnh hưởng, độ nhận diện, độ phủ rộng rãi tới uy tín trong lòng khách hàng, đặc biệt là nhóm khách tầm trung.


Ngược dòng ký ức về thời điểm khoảng chục năm trước, Trung Thu với tôi là Kinh Đô. Đấy là một tượng đài sừng sững. Dù trên thị trường khi ấy tồn tại không ít thương hiệu bánh Trung Thu tên tuổi như Thu Hương, Hữu Nghị, Long Đình hay thương hiệu bánh trung thu gia truyền Bảo Phương; nhưng chỉ Kinh Đô là ghi dấu trong tâm trí tôi một cách mạnh mẽ. Lý do có lẽ nằm trong sự cộng hưởng sức ảnh hưởng từ quảng cáo truyền hình vào cung giờ đẹp nhất, và thông điệp quảng cáo dễ đi vào lòng người nhất.


So với các thương hiệu cùng tầng, Kinh Đô thường hay xây dựng một câu chuyện quảng cáo thay vì chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm. Và tôi còn nhớ, câu chuyện về giấc mơ thơ trẻ ngày Trung Thu đã chạm vào tôi một cách tự nhiên nhất. Nghĩ lại, ngay từ nhỏ tôi đã là một case study hoàn hảo về việc truyền thông bánh Trung Thu thông qua trẻ nhỏ, và nuôi dưỡng suy nghĩ ấy trong tâm trí khách hàng tới khi trưởng thành.



Trong nhóm thương hiệu dẫn đầu này, cũng không thể không kể tới nhóm khách sạn. Bánh Trung Thu được các khách sạn, đặc biệt là các khách sạn 4-5 sao bán luôn được mặc định là nhóm bánh Trung Thu hạng sang với chất lượng cao nhất.


Mặc dù khá an toàn về cả hương vị lẫn bao bì, nhưng dòng bánh Trung Thu này tương đối ổn định. Bởi vậy, đây vẫn là sự lựa chọn tốt và an toàn trong mùa bánh Trung Thu.


2. Thương hiệu bánh trẻ, hiện đại


Dựa trên quan sát cá nhân, bốn năm trở lại đây là thời điểm các sản phẩm bánh Trung Thu có nhiều sự biến chuyển rõ rệt.


Tôi còn nhớ thời điểm ấy khi nhìn thấy chiếc bánh Trung Thu hình con thỏ, tôi nhận ra đó là chiếc bánh đầu tiên tạo cho mình cảm giác phù hợp và muốn thưởng thức ngay. Sự phù hợp này thể hiện ở bao bì, hình ảnh, nội dung nhân bánh, và quan trọng hơn cả là kênh truyền thông. Lần đầu tiên, tôi để ý thấy một quảng cáo bánh Trung Thu ở Instagram do một người trẻ, hiện đại, có cùng gout thẩm mỹ và không quá ham mê những vị bánh truyền thống giống-như-mình làm nên.


mùa bánh trung thu

Đây là lúc tôi đánh dấu việc thị trường bánh Trung Thu cho người trẻ đã chính thức hình thành và ghi dấu một bước khởi sắc mới trong thị trường bánh Trung Thu hiện đại nói chung. Tiêu biểu cho nhóm thương hiệu thứ 2 này là Trại Cá tại Hà Nội, với cách trình bày bánh Trung Thu vô cùng truyền thống mà vẫn mới mẻ, và Bakes Saigon tại thành phố Hồ Chí Minh, với hương vị thường vô cùng cầu kỳ và nghe là muốn thử.


Những thương hiệu này thường hướng tới nhóm đối tượng khách nhỏ và đặc thù của riêng họ. Bởi vậy, sản phẩm không cần quá đại chúng, chỉ cần đại diện được cho đúng nhóm khách hàng ấy, để thưởng thức hoặc biếu tặng lẫn nhau.






3. Nhóm thương hiệu F&B dạng chuỗi bán thêm bánh Trung Thu


Đây là nhóm khiến mình háo hức nhất trong mỗi mùa Trung Thu.

Không chỉ những bên kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ, thời vụ tham gia vào cuộc chơi bánh Trung Thu, giờ đây gần như mọi thương hiệu kinh doanh F&B cũng đều làm như: The Coffee House (TCH), Runam hay Starbucks. Những thương hiệu này thường mượn bánh Trung Thu làm công cụ để kể câu chuyện thương hiệu của mình và đến gần hơn với khách hàng. Đó là lý do bạn sẽ thấy bánh Trung Thu Starbucks chắc chắn có vị cà phê, còn bánh TCH thì có vị hạt sen, một nguyên liệu rất thuần Việt. Câu chuyện của mỗi thương hiệu đều được gói ghém trong hộp bánh cầu kỳ tới lạ.


Packaging cầu kì tái hiện sân khấu của Runam Bistro

Packaging cầu kì tái hiện sân khấu của Runam Bistro


Bánh Trung Thu không phải sản phẩm chính của những thương hiệu kiểu này, nhưng cũng không phải hết một mùa là họ sẽ bỏ qua. Mục tiêu của họ không đơn thuần là doanh số, mà mang nhiều màu sắc truyền thông hơn, nên cách những thương hiệu ấy thể hiện sản phẩm cũng vô cùng thú vị.


Nếu bạn muốn được truyền thêm cảm hứng từ những hộp bánh Trung Thu cầu kỳ và nhiều câu chuyện, tôi khuyến khích bạn hãy tìm hiểu của Runam, The Coffee House, Si Cuisine. Tôi vẫn luôn háo hức chờ Runam ra mắt hộp bánh Trung Thu, và chưa năm nào Runam làm mình thất vọng. Runam xây dựng cả một sân khấu trên cung trăng trong hộp bánh của mình, còn The Coffee House thì dẫn bạn về nhà theo hành trình chú Cuội trong một phiên bản hoàn toàn mới, hào hứng và thú vị vô cùng. Tôi sẽ cập nhật thêm với những thương hiệu bánh Trung Thu tiềm năng, ấn tượng tại insta @hachu.works nhé.


Tạm kết

Trên đây là 3 nhóm thương hiệu tham gia mùa bánh Trung Thu với 3 màu sắc và mục đích hoàn toàn khác biệt mà tôi ghi nhận được. Nếu bạn còn khám phá thêm nhóm thương hiệu nào mà tôi bỏ sót, hãy comment lại dưới đây cùng tôi nhé!


Author: Ms. Hà Chu

Founder COOKED F&B Business School


226 views0 comments
bottom of page