top of page

Công thức tạo nên một tấm ảnh "nhìn ngon miệng"

Updated: Apr 27, 2022

Trong F&B thì khái niệm "ngon miệng" vô cùng quan trọng. Làm thế nào để khách hàng khi nhìn ảnh của bạn cảm thấy ngon miệng và muốn tới trải nghiệm thương hiệu ngay lập tức? Như vậy mới gọi là hình ảnh thành công, có phải không?


công thức tạo tấm ảnh ngon miệng

Hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người 3 tips có thể áp dụng cho mọi tấm ảnh chụp ĐỒ ĂN/ THỨC UỐNG để khiến nó trở nên ngon miệng hơn trong mắt khách hàng. Hi vọng sẽ giúp ích cho những bức ảnh mùa lễ hội của mọi người và góp phần mang tới một cái Tết ấm no.


1, DỄ HIỂU

Thế nào là một bức ảnh dễ hiểu? Là một bức ảnh nhìn là hiểu ngay đây là món gì, có những thứ gì bên trong món đó. Ví dụ với hình ảnh một cốc smoothie: bạn có biết khi 1 chiếc lá bạc hà vào trong ảnh, bỗng dưng khách hàng sẽ cảm nhận được sự tươi mát của cốc nước một cách rõ ràng hơn? Trong món có nguyên liệu gì, bạn nên để chính những nguyên liệu ấy hiện diện trong ảnh. Điều này sẽ khiến bức ảnh trở nên dễ hiểu trong mắt khách hàng. Khi “hiểu” bức ảnh, khách hàng sẽ dễ dàng tưởng tượng ra hương vị của món ăn và khiến món ăn trở nên rõ ràng hơn trong tâm trí khách hàng.

Cá nhân mình ấn tượng nhất với điều này sau khi đọc kết quả của 1 khảo sát về nước giải khát 7up (mình đọc case study này từ cuốn Blink, một cuốn sách mình rất khuyến khích mọi người đọc nếu có thời gian): Sau khi tăng tỉ lệ phần màu vàng (đại diện cho quả chanh) trên vỏ lon 7up, thì phần lớn khách hàng khẳng định họ cảm nhận được vị chanh trong đồ uống rõ hơn. Hình ảnh ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm thức của khách hàng về hương vị sản phẩm, từ đó giúp khách hàng thấy sản phẩm hấp dẫn hơn.

2, BỐI CẢNH THỰC TẾ

Những bức ảnh ngon miệng nhất thường không phải là những bức ảnh được chụp trong studio cầu kỳ với concept đặc sắc. Không, đấy phải là những bức ảnh khiến khách hàng có thể hình dung được bản thân họ trong đó. Những bức ảnh ngon mắt nhất thường là ảnh chụp trong bối cảnh nhà hàng/ quán cafe/ nhà riêng, dưới góc nhìn của khách hàng hoặc của người bán, chứ không phải dưới góc nhìn của thương hiệu. Ví dụ như thế nào? Như thế này:

– Dưới góc nhìn khách hàng: sản phẩm nằm trên bàn, sản phẩm đang được trộn/ rưới sốt/ trên thìa, những góc nhìn mà ở vai trò khách hàng mình sẽ thực sự nhìn thấy khi đang ăn.

– Dưới góc nhìn người bán: sản phẩm đang được trình bày, đang chờ ship (bạn có nhớ những tấm ảnh hấp dẫn nhất mình từng thấy là hàng trăm ly trà sữa/ hàng chục chiếc bánh xếp nhau đều tăm tắp chờ được shipper đến lấy mang đi?), những góc nhìn mà ở vai trò người bán cũng sẽ thực sự nhìn thấy khi chuẩn bị món ngon cho bạn.

3, MÀU SẮC không hẳn ĐẸP, nhưng rất CHÂN THỰC:

Một tấm ảnh màu đẹp chưa chắc đã là một tấm ảnh ngon mắt. Đây là cái bẫy mà rất nhiều food blogger mắc phải, và rất đáng tiếc, lại là một cái bẫy mà những người làm chủ thương hiệu/ người làm marketing như chúng ta tự nguyện chui vào. Khi xếp những tấm ảnh được chỉnh màu theo cùng 1 kiểu cạnh nhau, chúng vô tình tạo ra 1 hiệu ứng nhóm khiến cho tổng thể nhìn rất đẹp và hấp dẫn. Thế nhưng khi từng tấm ảnh đứng độc lập, bạn sẽ nhận thấy tấm ảnh ấy.. không đẹp đến thế. Việc chỉnh màu ảnh chỉ quan trọng với những blogger hoặc những nội dung có tính đời sống nhiều hơn tính bán hàng. Trong thời điểm bạn còn đang phải bận tâm nhiều về doanh thu, đừng nghĩ nhiều về sự tinh tế. Hãy chọn 1 màu ảnh phù hợp nhất với màu món ăn/ thức uống của bạn, và khiến cho sản phẩm nhìn ĐÚNG NHẤT với bản chất của món.

Một tấm ảnh chân thực sẽ tạo ra một kết nối ngầm với cảm xúc của khách hàng, và khiến khách hàng cảm thấy hấp dẫn/ muốn trải nghiệm hơn. Đẹp không phải là tất cả. THẤY THÈM mới là tất cả.

Chúc bạn từ hôm nay sẽ có những bức ảnh ngon miệng tràn ngập các kênh truyền thông nhé!


– Hà Chu, người sáng lập COOKED.

5,291 views0 comments
bottom of page