Trong cuốn cẩm nang ẩm thực Bangkok được Michelin xuất bản vào năm 2017, một nhà hàng đường phố của Thái Lan - Raan Jay Fai đã lọt vào danh sách và được nhận 1 sao Michelin danh giá. Ngay sau sự kiện này, Raan Jay Fai liên tục xuất hiện trên các trang tin tức như TV, mạng xã hội, các kênh youtube, thu hút được sự chú ý lớn của thực khách từ khắp thế giới.
Trước Raan Jay Fai, chỉ có hai nhà hàng đường phố của Singapore nhận được sao Michelin là Hong Kong Soya Sauce Chicken Rice và Noodle and Hill Street Tai Hwa Pork Noodle. Dường như đây là số ít những nhà hàng ngoại lệ trong một danh sách dài những tiêu chuẩn khắt khe về ẩm thực của ngôi sao Michelin. Cũng bởi sự lược bỏ tối đa các yếu tố về không gian và phục vụ mà hương vị món ăn và đầu bếp trở thành nhân tố mang tính quyết định đến trải nghiệm của khách hàng.
Raan Jay Fai - là một nhà hàng đường phố lâu đời của Thái Lan, bà chủ năm nay đã hơn 70 tuổi. Không gian quán ăn không hề có chút cao cấp nào, nếu không muốn nói là khá xoàng; bếp nấu dân dã, chỉ vừa đủ những dụng cụ cần thiết để đầu bếp làm tốt công việc của mình. Một điều khá đặc biệt khác của Raan Jay Fai là, sau khi được nhận sao Michelin, nhà hàng không hề mở rộng quy mô, nâng cấp không gian quán hay tăng thêm nhân viên phục vụ. Vẫn chỉ có một số bàn phục vụ ít ỏi, vẫn chỉ có duy nhất bà chủ trực tiếp chế biến món để tập trung giữ vững chất lượng của sản phẩm. Bởi vậy, món ăn trở thành giá trị cốt lõi của nhà hàng. Nhiều thực khách ghé thăm đã dành cho quán những lời khen như “hương vị không thể tìm thấy ở những nhà hàng khác phục vụ món tương tự” hay “đáng từng đồng tiền”.
Các món được phục vụ ở Raan Jay Fai được đánh giá là có hương vị khá đồng đều với điểm chung lớn nhất đó là tiêu chuẩn khắt khe của bà chủ về nguyên liệu đầu vào. Một số món ăn nổi bật của nhà hàng phải kể đến là Khai jeaw poo (crab omelette), Poo phad yellow curry (stir-fried crab made with curry) và Phad Kee Mao (drunken noodle).
Crab omelette là món ăn được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông với nhân thịt cua tươi mềm mại, đầy đặn, được bọc bên ngoài bằng lớp trứng chiên thơm vàng giòn. Nhà hàng có bếp nấu ngoài trời, bởi vậy, thực khách có thể được nhìn tận mắt quá trình món ăn được chế biến bởi đầu bếp. Với món Crab Omelette nổi tiếng, bà Supinya Junsuta - đầu bếp và là chủ nhà hàng không ngại chia sẻ công thức trên nhiều chương trình ẩm thực khác nhau. Nhưng điểm khó nhất của món ăn này không phải nguyên liệu hay cách làm mà là kỹ năng thành thục khi đầu bếp khéo léo xắn tròn trứng và cua trong chảo dầu nóng. Sau đó, trứng được thêm vào một cách vừa đủ để đảm bảo bao trọn lấy phần thịt cua vẫn còn rời rạc. Ngoài ra cũng cần căn chuẩn thời điểm trứng hơi xém nhẹ ở bên ngoài và vừa chín tới ở bên trong để nhân trứng cua không bị khô bở, cũng không bị chảy nước. Một điểm đặc biệt nữa là mọi món ăn trong nhà hàng được nấu trên bếp than với lửa lớn, điều này giúp cho crab omelette không bị ngấm dầu, giữ được độ giòn lâu cũng như được thấm đều vị khói từ bếp than.
Thực khách có thể thưởng thức crab omelette cùng với tương ớt hoặc ăn không cũng rất ngon. Khi dùng dĩa để xắn đôi món ăn, bạn sẽ nhìn thấy lớp trứng vàng tươi, đan xen cùng lớp thịt cua óng ả, đầy đặn. Cũng cần lưu ý rằng, thực khách nên ăn crab omelette ngay khi món được phục vụ, vì nếu để quá lâu, nước cua từ bên trong sẽ ngấm dần ra lớp vỏ và khiến cho món trứng không còn giữ được độ giòn như ban đầu.
Nhìn chung, mức giá của đồ ăn không quá dễ chịu, nhất là khi đặt trong tương quan với không gian quán, dao động từ 400 - 1500 baht (300.000 - 1.000.000 đồng). Khi được hỏi về mức giá đắt đỏ mà chủ quán đưa ra cho một quán ăn đường phố, bà cho rằng, đó là mức giá phù hợp để nhân viên của nhà hàng có mức thu nhập tốt so với công sức của họ và để món ăn được chế biến từ những nguyên liệu tốt nhất có thể. Đồng thời bà cũng cho rằng ẩm thực Thái Lan nên được đề cao hơn bằng một mức giá tương xứng với trải nghiệm nó đem lại cho thực khách. Thật vậy, bù lại cho mức giá khá đắt đỏ, hương vị món ăn, nguyên liệu hải sản đầu vào tươi ngon, chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của chủ quán.
Về quy trình đặt bàn, vẫn giữ tinh thần nhà hàng đường phố, Raan Jay Fai chỉ dành 2 bàn nhận đặt trước qua số điện thoại hoặc email, 5 bàn còn lại sẽ dành cho khách hàng đến ăn và đặt chỗ trực tiếp tại quán. Một khách hàng muốn thưởng thức món ăn ở đây có thể phải chờ lên đến 3-4 tiếng để được ngồi bàn và chờ thêm 40-50 phút để đồ ăn được phục vụ lên. Có thể thấy rằng nếu so với những nhà hàng cao cấp với cùng một mức giá thì trải nghiệm phục vụ ở đây không quá dễ chịu, bởi vậy càng khiến cho sự kỳ vọng của khách hàng về đồ ăn càng nâng cao.
Ngoài ra, không gian quán cũng là một yếu tố quan trọng, tác động lớn để cảm quan của khách hàng về hương vị. Với một nhà hàng đường phố, tinh thần món ăn được thể hiện qua một cuộc sống nhộn nhịp, quen thuộc, thoải mái và suồng sã. Tuy nhiên, ngôi sao Michelin đã vô tình đặt lên khách hàng của Raan Jay Fai một sự kỳ vọng lớn hơn, đi kèm với sự tò mò và lòng hiếu kỳ dành cho một nhà hàng đường phố vốn chả mấy khi có nhiều quy chuẩn về phục vụ, chỉ có những quy tắc về nguyên liệu và hương vị của chủ nhà hàng đối với sản phẩm.
Dù ngôi sao Michelin danh giá đã đưa danh tiếng của cửa hàng đi ra thế giới, nhưng khi chia sẻ về điều này, bà Supinya Junsuta - đầu bếp và là chủ nhà hàng thể hiện mong muốn được trả lại ngôi sao đó. Bà cũng nhận thấy rất nhiều bất tiện khi nhiều người đến chỉ để xem và chụp những bức ảnh chứ không phải đến để ăn, đồng thời cảm thấy ngày càng mệt mỏi hơn với những xáo trộn mà ngôi sao Michelin này gây ra.
Con gái của bà - chị Yuwadee Junsuta chia sẻ rằng những vị khách đến với quán giờ đây có kỳ vọng cao hơn rất nhiều, nhưng họ chỉ đang tìm kiếm một hương vị của ngôi sao Michelin. Chị hy vọng rằng trong những lần sau khách đến, họ sẽ đến chỉ vì thực sự muốn thưởng thức một món ăn của nhà hàng. “Trước và sau khi nhận được 1 sao Michelin, chúng tôi vẫn không thay đổi gì, trong khi những người khác lại nhìn chúng tôi như một nhà hàng 1 sao Michelin. Hơn hết, lời khen của khách hàng về đồ ăn của nhà hàng đã đáng giá cả triệu ngôi sao đối với chúng tôi mỗi ngày”.
Đây không phải lần đầu một nhà hàng lên tiếng chia sẻ về những khó khăn họ phải đối mặt sau khi nổi tiếng nhanh chóng từ việc nhận được sao Michelin. Một trong số đó phải kể đến việc nhà hàng phải dành quá nhiều sự chú tâm cho những yếu tố khác ngoài món ăn như: không gian, âm nhạc, phục vụ,... Điều này khiến họ vô cùng áp lực và mệt mỏi khi phải mãi chạy theo sự hoàn hảo với nỗi lo về những cuộc ghé thăm bất chợt của chuyên gia Michelin. Nhưng với một nhà hàng đường phố như Raan Jay Fai thì khác, ngay từ đầu, tiêu chuẩn mà các chuyên gia sử dụng để đánh giá gần như tập trung trọn vẹn vào món ăn, người đầu bếp và tinh thần đường phố của Thái Lan. Và những yếu tố này cũng chính là giá trị cốt lõi của nền ẩm thực đường phố, vốn gần gũi với người bản địa và mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương.
Ngoài Raan Jay Fai, còn muôn vàn nhà hàng đường phố khác, dù chưa trở thành một cái tên được phổ biến đến thế giới nhưng chúng vẫn ngày ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình như những người kể lại câu chuyển ẩm thực đặc trưng của một cộng đồng
Nguồn tham khảo thông tin:
Nguồn ảnh:
Comments