top of page
Writer's pictureCOOKED F&B School

Một món ăn chuẩn vị.

Chuẩn vị, truyền thống, nguyên bản, gia truyền.


Quá nhiều những mỹ từ được sử dụng dành cho một món ăn, một thức uống mà có lẽ bạn đã nghe đến phát ngấy. Nói cho cùng, chúng đều có chung một ý nghĩa cả. Chúng có mục đích khẳng định hương vị bạn đang thưởng thức là hương vị ĐÚNG – đúng với truyền thống, đúng với nguồn gốc, đúng với cách mà chúng được chế biến khi mới được sáng tạo, được ra đời.








Thế nhưng cái đúng ấy,

đúng đến đâu?


Hành trình marketing cho ngành F&B đòi hỏi bạn phải dành một lượng thời gian tương đối để tìm hiểu về bản chất của ăn và uống, của món và hương vị. Và nếu bạn đã dành đủ nhiều thời gian, thì có lẽ bạn cũng đã lờ mờ nhìn thấy kết luận này: cái đúng, cái chuẩn vị, cái truyền thống tuyệt đối trong một món ăn gần như là không tồn tại.



Ramen quốc hồn quốc tuý của Nhật Bản thực ra đến từ Trung Quốc. Fortune Cookies trứ danh trong các nhà hàng Trung Quốc, thực tế lại do người Nhật tạo ra. French Fries nghe không thể Pháp hơn, hoá ra khởi nguồn từ Bỉ. Phở Nam nghe có vẻ giống một biến thể của phở Bắc, nhưng nó cũng có một lịch sử của riêng mình dưới sự ảnh hưởng của người Hoa.


Và bởi vậy mỗi khi dùng từ "chuẩn vị", COOKED tha thiết bạn hãy luôn tự đặt ra một câu hỏi: bạn có thực sự chắc chắn rằng đây là một món ăn chuẩn-vị hay không?


Và để câu hỏi ấy đỡ làm khó bạn, COOKED đã chuẩn bị một bộ tiêu chí chuẩn vị để bạn có thể tham khảo. Thay vì khẳng định rằng món ăn của mình chuẩn vị 100%, thì bạn có thể khẳng định những khía cạnh chuẩn vị trong món ăn ấy – vừa chính xác, vừa chắc chắn có một câu chuyện hấp dẫn hơn đối thủ nhiều!


Chuẩn vị trong nguồn gốc


Một món ăn có thể có nhiều biến thể, và mỗi biến thể sẽ có một hương vị khác nhau – tuỳ thuộc vào khẩu vị người ăn ở nơi ấy. Khi khẳng định món ăn của mình chuẩn vị trong nguồn gốc, bạn đang khẳng định rằng món ăn của mình có hương vị chính xác nhất so với hương vị tại vùng mà nó được tạo ra. Đó không nhất thiết phải là hương vị phổ biến nhất, nhưng là hương vị đúng nhất với quê hương của nó mà thôi.



Hãy thử nhìn vào một tô bún bò Huế.

Hương vị bún bò Huế tại Huế khác vô cùng với bún bò Huế tại Hà Nội, Sài Gòn hay bất cứ nơi nào khác. Khi bạn khẳng định rằng mình bán một tô bún bò Huế chuẩn vị, cái chuẩn ở đây hẳn nhiên phải là tô bún bò được nấu tại Huế. Vị bún bò Huế phổ biến nhất trên thị trường thật ra là vị bún bò Huế kiểu Sài Gòn, thế nên việc khẳng định mình chuẩn vị so với nguồn gốc của món sẽ tạo ra cho bạn không chỉ một hương vị đặc sắc, mà còn cả một câu chuyện truyền thông thú vị để dẫn dắt khách hàng vào ma trận bún bò Huế, kể cho họ nghe về những hương vị bún bò Huế khác nhau, và tại sao bạn lại lựa chọn hương vị nguyên bản để phục vụ họ.


Chuẩn vị trong nguyên liệu


Chuẩn vị không nhất thiết phải đi đôi với sự tuyệt đối.


Lại quay về với ví dụ bún bò Huế của chúng ta – thay vì chuẩn vị Huế trong cả tô bún bò, rất nhiều nhà hàng nổi danh chỉ vì họ có mắm ruốc và sa tế chuẩn vị. Mắm ruốc mùi phải nồng, vị phải rõ ràng, ai ăn được sẽ đam mê, ai không ăn được hẳn sẽ hơi nhăn mặt, đấy mới đúng là mắm ruốc Huế. Sa tế phải cay đậm mà không gắt, lớp dầu phải bóng bẩy, trong veo chứ không vẩn đục, quyện quanh phần ớt chưng đỏ tươi, như vậy mới đúng là sa tế Huế.


Bạn có thể thoả thích sáng tạo trong nước dùng, trong phần thịt, phần rau, trong cách tạo nên tô bún bò Huế ngon-nhất với khẩu vị của bạn. Khẳng định sự chuẩn vị trong một nguyên liệu cụ thể không chỉ đưa bạn vào vùng an toàn của truyền thông, mà còn tạo nên một dấu ấn riêng cho món ăn của thương hiệu – chúng tôi sáng tạo ở chỗ này, và truyền thống ở chỗ kia, để tạo nên một nét đặc sắc chẳng chỗ nào có cả.


Chuẩn vị trong một công đoạn.


Cũng như chuẩn vị trong nguyên liệu, chuẩn vị trong một công đoạn cụ thể cũng giúp bạn tạo ra hiệu ứng đặc sắc tương tự. Đâu là công đoạn mà bạn thấy công thức truyền thống vốn đã quá trọn vẹn, không cần và cũng không nên sáng tạo thêm?


Một món ăn nhạt nhoà trong tâm trí khách hàng là một món ăn có sự sáng tạo chung chung: chúng tôi không sáng tạo hẳn, nhưng cũng không truyền thống hẳn. Việc cụ thể hoá công đoạn mà bạn chuẩn vị, lý do bạn giữ nguyên sự chuẩn vị đó, kết hợp với cách mà bạn sáng tạo sẽ tạo nên một chân dung sản phẩm hấp dẫn gấp nhiều lần so với những câu truyền thông mông lung và giống y hệt những thương hiệu khác.


Chuẩn vị của một thời đại, một giai đoạn.


Xã hội thay đổi, đời sống thay đổi, nguyên liệu trở nên phong phú và dồi dào hơn, thì khẩu vị cũng thay đổi.


Hãy nhìn vào Tầm Vị.

Thay vì khẳng định mình là một thương hiệu chuẩn vị Bắc chung chung, họ khẳng định thực đơn nhà hàng là thực đơn miền Bắc thời kỳ Tonkin – thời kỳ mà ẩm thực và khẩu vị của những gia đình thượng lưu chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Pháp. Việc đưa vào câu chuyện một ngữ cảnh cụ thể không chỉ giúp thương hiệu của bạn có một định hướng rõ ràng hơn trong việc xây dựng không gian, trải nghiệm, mà còn tạo ra một kỳ vọng đúng đắn hơn của khách hàng về hương vị của món ăn. Nếu mỗi người đều mang tới một định nghĩa của riêng mình về "chuẩn vị" – điều rất dễ xảy ra với các nhà hàng đồ Việt mở tại Việt Nam, thì khả năng cao là món ăn của bạn sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Thử nghĩ mà xem, món thịt kho tàu theo kiểu gia đình bạn hẳn nhiên sẽ là thứ chuẩn vị nhất và thơm ngon nhất, phải không?


Sự chuẩn vị được đặt trong một thời đại, một giai đoạn cụ thể sẽ điều tiết kỳ vọng của khách hàng, giúp họ hiểu rằng Hương vị này có thể không giống với "chuẩn vị" mà họ biết, vì nó chuẩn ở một giai đoạn lịch sử khác, từ đó giảm bớt những kỳ vọng mà món ăn không thể đáp ứng. Khi có một kỳ vọng đúng đắn về món ăn, khách hàng cũng sẽ cảm nhận được trọn vẹn hơn hương vị của món ăn đó. Một tình huống win-win cho cả đôi bên.


Bạn sẽ lựa chọn cách "chuẩn vị" nào để truyền thông cho hương vị của mình? Chia sẻ cùng COOKED nhé!

121 views0 comments

Comments


bottom of page