top of page
Writer's pictureCOOKED F&B School

TÊN THƯƠNG HIỆU CÓ CẦN CÓ NGHĨA HAY KHÔNG?

Updated: Apr 27, 2022

hay, "Đặt tên thương hiệu như thế nào?"

Đây là câu hỏi tôi nhận được từ rất nhiều học viên. Tên thương hiệu The Coffee House có một ý nghĩa rất rõ ràng, rất dễ nhớ, đọc một lần là hiểu ngay – đây là “nhà” cà phê, nên hẳn là bán cà phê và các đồ uống khác – có phải vì vậy mà họ đông khách hay không?

đặt tên thương hiệu thế nào

Nhưng cũng có những cái tên như Yu Tang, C’est Si Bon, hay thậm chí là AHA, KAFA, những cái tên chúng ta gần như không hiểu trong (một vài) lần đầu tiên tiếp xúc cũng vô cùng đông khách và thành công. Với những thương hiệu này, ý nghĩa trong tên thương hiệu bắt đầu có yếu tố cá nhân hơn (như AHA) hoặc gợi tả một câu chuyện thương hiệu sâu sắc hơn. Yu Tang có nghĩa là “ngôi nhà trân châu” theo phiên âm tiếng Đài Loan, KAFA là tên một tỉnh trồng cafe, hay C’est Si Bon là “Ngon tuyệt!” trong tiếng Pháp, cái nôi của mọi loại bánh ngọt trên thế giới.

Hay xa xôi hơn nữa có thể nói tới Starbucks, Apple, những cái tên thương hiệu mang đậm màu sắc cá nhân đến nỗi nó gần như chẳng có chút ý nghĩa gì về sản phẩm hay tôn chỉ kinh doanh như chúng ta thường đề cao. Steve Jobs đặt tên thương hiệu là Apple vì… thích ăn táo, vì vừa đi trại táo về, và vì nghe nó có vẻ vui.


Vậy BÍ QUYẾT CỦA VIỆC ĐẶT TÊN THƯƠNG HIỆU NẰM Ở ĐÂU?


Có rất nhiều công thức đặt tên thương hiệu trên đời. Chỉ cần google cụm từ “Brand Naming Strategy”, bạn sẽ thấy hằng hà sa số những công thức đặt tên thương hiệu mà công thức nào đọc qua cũng có vẻ đúng. Vậy công thức nào mới là dành cho bạn?


Bí quyết ở đây là 𝐜𝐨𝐢 𝐭𝐫𝐨̣𝐧𝐠 𝐧𝐞̂̀𝐧 𝐭𝐚̉𝐧𝐠 𝐜𝐮̉𝐚 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐡𝐢𝐞̣̂𝐮 trước, và cái tên thương hiệu sẽ đến sau. (Toàn bộ quá trình này sẽ được hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn cho thương hiệu của bạn trong khoá học F&B BRANDING PRINCIPLES).

Tuy nhiên COOKED sẽ vẫn chia sẻ trước với bạn một chút tại đây.

Trước khi đặt tên, hãy nghĩ về việc mình đang đặt tên cho cái gì. “Không phải là chúng ta đang đặt tên cho thương hiệu, rõ rành rành như vậy rồi ư?”, bạn có thể thắc mắc. Nhưng không, câu hỏi không đơn giản như vậy.


Bạn đang đặt tên cho thương hiệu tổng của mình, hay đang đặt tên cho một nhánh thương hiệu con sắp ra mắt? Tous les Jours và Tous les Jours cafe là ví dụ rõ ràng nhất cho cách đặt tên này. Tous les Jours là thương hiệu tổng, còn Tous les Jours cafe là những chi nhánh TLJ có chỗ ngồi cho khách hàng. Tương tự với Starbucks và Starbucks Reserve. Điều này buộc bạn phải suy nghĩ về tầm nhìn của mình dành cho thương hiệu đang cần đặt tên. Bạn sẽ phát triển nó đến đâu, liệu có lớn tới mức độ sẽ có những thương hiệu con cho nó hay không? Dù có hay không, bạn cũng sẽ bắt đầu có một hình dung nhất định về mức độ phát triển mình mong muốn cho thương hiệu. Điều này rất quan trọng trong việc đặt tên, cái tên phải đủ “sức nặng” để phát triển cùng tầm vóc của nó. Đó là một phần lí do tại sao những thương hiệu càng phát triển mạnh mẽ và phủ rộng ở khắp mọi nơi lại thường có những cái tên đơn giản và vô cùng dễ hiểu – như The Coffee House, Burger King, Paris Gateaux, etc. Bởi với tầm nhìn trong kinh doanh của thương hiệu, cái tên ấy nhất định phải dễ hiểu với số đông, và càng dễ nhớ càng tốt. Họ sẽ không đánh vào một tập khách hàng trọng tâm ở quy mô nhỏ hay vừa, mà hướng tới số đông với độ phủ càng lớn càng tốt.


Starbucks Reserve Bars

Starbucks Reserve Bars - nơi bạn có thể thưởng thức những tách cà phê được thực hiện riêng theo yêu cầu của bạn, bởi các "coffee master".


Câu hỏi tiếp theo bạn cần trả lời là, điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân bạn – người “mẹ đẻ” – ở trong thương hiệu này? Đây là câu hỏi mà tôi mong muốn bạn sẽ trả lời một cách hết sức cá nhân, thay vì suy nghĩ bằng các công thức và lý thuyết phức tạp. Nói cho cùng, một thương hiệu phải thoả mãn được mọi giá trị về vật chất và tinh thần mà người tạo ra chúng đề ra. Trước khi chúng bắt đầu đi vào hoạt động để tạo ra vật chất, thì bản thân thương hiệu phải đáp ứng được phần nào giá trị tinh thần mà bạn hướng tới. Đó là lí do rất nhiều thương hiệu lớn trước đây (và cả bây giờ) đặt họ tên của người chủ vào làm tên tập đoàn. Họ muốn đấy là dấu ấn cá nhân của cuộc đời họ, và lan toả sức ảnh hưởng ra rộng khắp. Đó cũng là lí do có những thương hiệu đặt tên với nhiều tầng ý nghĩa ẩn dụ, bởi trong những tầng ý nghĩa ấy gửi gắm điều họ coi trọng khi tạo nên sản phẩm này, hi vọng khách hàng sẽ chú ý và thấu hiểu. Đây là cách mà Starbucks đặt tên cho thương hiệu của mình. Tôi lấy ví dụ là Starbucks để bạn có thể an tâm rằng không phải một cái tên khó hiểu thì thương hiệu không thể phát triển mạnh mẽ và rộng rãi được. Cái tên chỉ đóng góp một phần nhỏ trong đó mà thôi.


Nếu cái tên vốn đã chỉ đóng góp một phần nhỏ, thì đặt tên gì chả được, phải không? Không. Bạn sẽ còn phải cân nhắc Độ dễ phát âm (tôi đã có nhiều bài học xương máu với yếu tố này), Độ dễ liên tưởng, Độ liên kết giữa tên thương hiệu và slogan thương hiệu (như KFC và It’s finger lickin’ good), Độ liên kết giữa tên viết đầy đủ và tên viết tắt, và rất nhiều yếu tố khác để đảm bảo tên thương hiệu của mình không quá “bay bổng”, cũng không quá nhàm chán, và vừa đủ để tạo nên một nền tảng tốt cho thương hiệu xuất hiện trước mắt công chúng và dễ dàng “cất cánh” ngay khi ra mắt.


Chúc bạn thành công với việc đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình, và hẹn gặp bạn trong lớp 𝐅&𝐁 𝐁𝐫𝐚𝐧𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐏𝐫𝐢𝐧𝐜𝐢𝐩𝐥𝐞𝐬 nhé!


926 views0 comments

Comments


bottom of page