top of page

Xu hướng hình ảnh ngành F&B | Chuyên đề: Hình ảnh bán-hàng




Hình ảnh bán hàng trong ngành F&B luôn là điều gì đó khiến người làm marketing dè dặt. Định nghĩa một bức ảnh "bán hàng" trong ngành F&B cũng không hề dễ dàng, và mô hình F&B sẽ có một định nghĩa về hình ảnh bán hàng khác nhau.


Chỉ có mục đích là không đổi đó là một hình ảnh, một video khiến khách hàng ngay lập tức cảm thấy muốn mua – không phải muốn follow, tương tác hay cảm thấy tò mò đơn thuần, là thực sự là muốn-mua sản phẩm để trải nghiệm.


Trong chuyên đề hôm nay, COOKED sẽ phân tích một case study đã làm hình ảnh bán hàng vô cùng thành công: Woolloomooloo Cafe Cake Bakery & Bar


Woolloomooloo bán gì, dành cho ai, là một thương hiệu F&B như thế nào?


Woolloomooloo (WLML) là một tiệm bánh online, nhận đặt bánh trước và trả bánh theo đơn đặt hàng. Họ có 2 cơ sở, một trong số đó là một tiệm cafe bánh.


WLML có mức giá trung bình cao với thế mạnh ở tạo hình, bởi vậy thoả mãn chính xác nhu cầu của khách hàng cho một chiếc bánh sinh nhật có ngoại hình ấn tượng. Một chiếc bánh có ngoại hình ấn tượng thế này sẽ có giá khoảng từ 1,100,000VND trở lên.


(Ảnh: Woolloomooloo)
(Ảnh: Woolloomooloo)

WLML là một thương hiệu F&B định vị bản thân có thế mạnh ở cả tạo hình lẫn hương vị, điều mà không nhiều thương hiệu bánh sinh nhật làm được. Mọi chiếc bánh của WLML đều được đầu tư với nhiều tầng hương vị phong phú, hoa quả tươi, xốt nhà làm, và hương vị luôn được tôn vinh như thể ngoại hình chiếc bánh chỉ là một điểm phụ hoạ – nhưng không, đôi khi đó mới chính là điểm khiến WLML trở nên hấp dẫn tới vậy.


Tại sao Woolloomooloo đặc biệt?


Không khó để nhận ra sự đơn giản trong hình ảnh của WLML, nếu nó không được quay chụp bằng điện thoại thì hẳn cũng là một thiết bị không mấy cầu kỳ.


Các góc quay chụp cũng không quá phong phú: những khung cảnh tủ đựng bánh, bàn bếp bên cửa sổ, và một bức tường trơn (với nền đổi màu theo từng chiếc bánh) được lặp đi lặp lại. Ánh sáng cũng ổn định ở 2 trạng thái, hoặc một ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ ùa vào, hoặc một ánh sáng đều khắp tấm hình.


Việc dựng video thì còn đơn giản hơn nữa. Quá trình dựng có thể thực hiện ngay tại Instagram hoàn toàn, với những font chữ và cách dựng có sẵn, không cần thêm một phần mềm cầu kỳ nào.


Mọi chuyện không thể đơn giản hơn. Thời gian và chi phí dành cho sản xuất hình ảnh và video không thể thấp hơn, vì không mất bất cứ thiết bị hay set up cầu kỳ nào.


Không dễ để tạo ra kết quả của WLML. Tấm ảnh bánh bon bon cake đạt 52.3 likes, tính tới thời điểm hiện tại. Reel trang trí bánh đạt 6.2M views. Trung bình mọi reel đều đạt từ 20-50k views.





Mọi hình ảnh và video của WLML có tính bán hàng rất cao, bởi chúng thoả mãn mọi tiêu chí:

(1) Sự chân thật trong hình ảnh, không chỉnh sửa, không set up cầu kỳ,

(2) Sự tin tưởng dành cho chiếc bánh thành phẩm (nhờ chính sự chân thật trong hình ảnh)

(3) Sự hấp dẫn với bản chất sản phẩm (trong một bối cảnh không có đạo cụ trang trí gì khác ngoài chính chiếc bánh ấy),


Và nhờ 3 yếu tố trên, dẫn tới một cảm giác mong muốn trải nghiệm sản phẩm ngay lập tức.


Tại sao Woolloomooloo lại thành công theo một cách có-vẻ-như vô cùng đơn giản?

Chụp hình chỉ là bước cuối cùng. Chỉ khi thực sự bắt tay học hỏi công thức thành công ấy, bạn sẽ mới nhận ra rằng đằng những tấm hình và video tưởng chừng như effortless – chẳng cần phải cố gắng, giơ điện thoại lên là có được – ấy là rất nhiều những bước tính toán và sắp đặt trước đó.


Từ góc nhìn của người ngoài cuộc, COOKED nhìn nhận thành công của WLML được tạo nên nhờ những yếu tố sau:


Không ngại thử nghiệm

Nếu nhìn vào nội dung của WLML trong 3 năm nay, có thể thấy WLML đã thử nghiệm với không ít cách quay, nội dung và cách dựng. Họ không ngại làm điều mới, cho dù kết quả đạt được vốn đã không hề kém cỏi.


Đặt ra giới hạn cho sáng tạo

Điều này có vẻ ngược với điều số đầu tiên, nhưng nó lại là yếu tố không-thể-thiếu để sáng tạo thành công. Dù có thử nghiệm đến đâu, bạn cũng sẽ thấy WLML vẫn luôn tuân theo một tôn chỉ duy nhất – nội dung xoay quanh sản phẩm và chỉ sản phẩm mà thôi.


Không có set up, không có đạo cụ (props), không có chủ thương hiệu hay bất cứ câu chuyện nào không trực tiếp nói về sản phẩm. Con người duy nhất từng xuất hiện trong reel của WLML là người thợ bánh trong video icing 100 cakes. Vẫn là về sản phẩm.


Sáng tạo cần có giới hạn để thực sự đột phá. Nội dung thương hiệu cần có giới hạn để không đánh mất mình, không làm con người thương hiệu trở nên mờ nhạt giữa làn sóng xu hướng không ngừng đổi thay.


Một không gian giàu bản sắc

Khi thực sự thử học theo WLML, bạn sẽ thấy rằng không phải khung cửa sổ nào cũng đẹp và giàu cảm xúc như khung cửa sổ ở bếp WLML. Hoặc khi thực sự có một khung cửa sổ đẹp, thì đôi khi vị trí ấy lại không phù hợp để làm bàn hoàn thiện và đóng gói sản phẩm.


Khung cửa sổ đặc trưng của WLML có thể là may mắn, cũng có thể là sự tính toán cẩn thận của những người đứng sau thương hiệu: những người biết rằng thương hiệu có thể tối ưu bao nhiêu chi phí truyền thông khi mình tính toán không gian cho marketing ngay từ khi set up thương hiệu.


Hiểu rõ và cặn kẽ sản phẩm

Cách làm như WLML chẳng thể áp dụng cho thương hiệu F&B dạng nhà hàng, cũng không phù hợp với những sản phẩm bánh không có thế mạnh về hình thức tương tự.


WLML không cố gắng “kể chuyện” về sản phẩm – họ để sản phẩm tự kể. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn thực sự thấu hiểu sản phẩm của mình: biết điểm nào khiến nó gây nghiện, điểm nào khiến khách hàng quay lại, điểm nào tạo ra sự khác biệt.


Cảm giác "tự nhiên nhưng bán được hàng" ấy chỉ xuất hiện khi người làm thương hiệu:

  • Hiểu quá rõ trải nghiệm khách hàng mong đợi,

  • Biết cách dùng hình ảnh để phản ánh trung thực điều đó,

  • Biết bỏ qua những gì không cần thiết để làm nổi bật đúng cái cần làm nổi bật.


Sự hiểu cặn kẽ sản phẩm cũng giúp WLML tránh được cái bẫy phổ biến: cố gắng thêm “tính cách” vào một sản phẩm chưa có bản sắc. Bởi nếu không hiểu đủ sâu, bạn sẽ rất dễ sa đà vào set up hình ảnh, kể chuyện thương hiệu, làm reels, làm series... mà quên mất rằng khách hàng chỉ đang tự hỏi: "Liệu món này ngon không? Có đáng mua không?"


Định nghĩa rõ ràng về hình ảnh bán hàng – cho riêng mình.

Không ai có thể dạy bạn đâu là hình ảnh bán hàng chuẩn mực. WLML cũng không thể. Bởi vì hình ảnh bán hàng không có một bộ công thức cố định – mà là một trạng thái cảm xúc nhất định bạn muốn khách hàng của mình chạm tới.


Với WLML, đó là sự rung cảm khi nhìn thấy một chiếc bánh đẹp đến mức phải mua liền tay, đẹp theo cách “người thật việc thật”, đẹp theo kiểu rất gần gũi, rất đời thường – nhưng chạm được đúng cảm xúc cần chạm.


Vậy, hình ảnh bán hàng của bạn thì sao?

Có thể là một khoảnh khắc khách hàng bốc một miếng xôi bằng tay. Có thể là một khung cảnh nồi nước dùng sôi lục bục trong bếp. Có thể là một biểu cảm mãn nguyện sau khi cắn miếng đầu tiên. Hoặc có thể là một tấm menu “đã in rồi” khiến người ta không thể cưỡng lại


Không cần ảnh chụp món ăn nào quá sắc nét, không cần phải thuê food stylist, không cần theo trend. Chỉ cần, ngay khi nhìn vào, người ta muốn gọi món.


COOKED tin rằng hình ảnh bán hàng sẽ luôn là điểm mạnh của một thương hiệu hiểu rõ mình đang phục vụ ai, sản phẩm của mình hấp dẫn ở điểm nào, và cảm xúc nào là cảm xúc mình cần kích hoạt nơi khách hàng.


Và đôi khi, chụp hình chỉ là bước cuối cùng!

Commenti


bottom of page