Đây là một cuốn cẩm nang Michelin. Hỏi bất cứ người người đầu bếp, nhà phê bình ẩm thực hay tên foodie tay mơ nào và họ sẽ bảo với bạn: Cẩm nang Michelin là Kinh thánh của chúng tôi. Tại sao ư? Vì cuốn sổ nhỏ bé này sẽ tiết lộ cho bạn những những nhà hàng xuất sắc nhất trên thế giới. Nói cách khác, nó định nghĩa cho việc ăn ngon là thế nào.
Có lẽ bạn đã biết tới Michelin qua hệ thống đánh giá nhà hàng bằng ngôi sao của nó. Hiếm có biểu tượng trong bất cứ lĩnh vực nào được người cả trong lẫn ngoài ngành biết đến như những ngôi sao Michelin:
1 ngôi sao dành cho những điểm dừng chân lí tưởng;
2 ngôi sao cho những nơi có chất lượng xuất sắc, đáng vượt cả dặm xa đến thăm;
còn nếu được 3 ngôi sao, trải nghiệm này đáng cả một cuộc hành trình để thấm thía.
Nhưng những ngôi sao này không phải là tất cả về Michelin!
Michelin không phải là một giải thưởng cho ngành ẩm thực mà thực chất là một cuốn sách du lịch tổng hợp các nhà hàng, khách sạn chất lượng cao ở mỗi địa phương. Vì vậy, mỗi năm Michelin không trao giải mà chỉ đơn giản là tiết lộ danh sách những nhà hàng đạt sao trong ấn phẩm mới nhất của họ.
Những ngôi sao Michelin chỉ là một thang đánh giá được bổ sung sau này. Bên cạnh đó, Michelin Guide còn có nhiều hạng mục khác để phục vụ nhiều nhu cầu và mức giá, cũng như để tôn vinh sự đa dạng văn hoá ẩm thực như:
Bib Gourmand, hạng mục gồm những nhà hàng offer bữa ăn 3-món với mức giá khiêm tốn hơn
L’Assiette (The Plate), nơi bạn có thể tìm những bữa ăn ngon miệng không cầu kì.
Nhưng đương nhiên, không còn ai nghĩ về nó đơn giản như một cuốn travel book nữa. Chỉ cần một nhà hàng rơi vào danh sách Bib Gourmand hay nhận một sao, cả một thị trấn có thể được đưa lên bản đồ ẩm thực thế giới. Còn nếu vinh dự nhận 3 sao, người đầu bếp lẫn nhà hàng sẽ đi thẳng vào đại lộ danh vọng của ẩm thực cùng những tên tuổi lịch sử khác.
Michelin đã làm nên những sự nghiệp nổi tiếng toàn cầu như Gordon Ramsay, Alain Ducasse, Marco Pierre White đến khai quật cái tên lowkey hơn từ những nơi hẻo lánh nhưng được kính nể cả ngành như Massimo Bottura ở Ý hay, Rasmus Kofoed vị đầu bếp Đan Mạch đầu tiên nhận được 3 sao Michelin và hiện tại đang chễm chệ đứng đầu danh sách World’s 50 Best Restaurant, một phiên bản indie hơn của Michelin Guide.
26 phiên bản của cuốn sổ này đã được tung ra ở 23 quốc gia khác nhau và lần lượt, biến những địa điểm văn hoá như Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Thái Lan thành những điểm nóng trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Khác với niềm tin của nhiều người rằng Michelin chỉ bảo chứng cho haute cuisine―ẩm thực cao cấp―các món ăn bình dân cũng có thể được ghi nhận nếu đủ xuất sắc. Cơm gà sốt soya ở Singapore rẻ hơn cả một burger McDonald đã được ghi nhận bởi 1 sao. Dim sum Tim Ho Wan ở Mongkok, ramen lề đường Tsuta ở Tokyo, omelette cua của bà Raan Jay Fai ở Thái Lan giờ đây luôn có hàng người kéo dài cả con phố bởi sao Michelin mà họ đã nhận.
Và giờ đây, Việt Nam là đất nước tiếp theo sẽ đón chào dàn thanh tra Michelin. Chắc chắn có nhiều người rất phấn khích hoặc tò mò về ảnh hưởng của sự kiện này: Liệu chúng ta có thể sở hữu những hàng cơm tấm, bún riêu đẳng cấp Michelin không? Việc Michelin đến Việt Nam xếp hạng các món ăn của chúng ta liệu có thay đổi được thói quen đi ăn hay sân chơi của các doanh nghiệp F&B Việt không? Nhưng mà quan trọng nhất là tại sao chúng ta phải quan tâm đến Michelin?
Cùng theo dõi những phần sau của series Michelin Guide: An Art Of Eating tại COOKED nhé!
Comments