Trong bài viết này, mình muốn bàn về những hình thái cộng đồng phổ biến hơn, thường gặp hơn, và cá nhân mình đáng giá là cần được trân trọng và xây dựng nhiều hơn để ngành F&B ngày một lớn mạnh. Đấy là khối cộng đồng cùng chuyên môn, cùng phát triển.
1. Khối Cộng đồng cùng Chuyên môn là như thế nào?
Cùng ngành F&B cũng có thể gọi là cùng chuyên môn, nhưng chuyên môn này rộng quá. Một người làm chuỗi nhà hàng nướng có thể không có nhiều điểm đồng điệu với một người mở quán bar như chúng ta thường nghĩ, và những câu chuyện kinh doanh từ nhiều mảng sản phẩm khác nhau tuy có thể truyền rất nhiều cảm hứng, nhưng tính ứng dụng lại không cao. Cá nhân mình cũng từng gặp những học viên tại COOKED mà mình không thể giúp đỡ được quá nhiều: những người kinh doanh thực phẩm xuất nhập khẩu, những người mở quán rượu, những người kinh doanh theo mùa vụ (như bánh Trung Thu, bánh chưng bánh dày) chẳng hạn. Đây đều là những học viên nhận được “khuyến cáo” từ COOKED trước khi đăng ký. Bạn hãy sẵn sàng với việc các ví dụ trên lớp có thể không bám sát 100% với thương hiệu của mình, và sẵn sàng tư duy ứng dụng một cách linh hoạt để phát huy được kiến thức tốt nhất có thể.
Sau những trải nghiệm ấy, mình mới thấy trong ngành F&B thực ra có rất nhiều các khối Chuyên môn đa dạng. Mở chuỗi là một Chuyên môn – giữa chuỗi lẩu, chuỗi nướng và chuỗi trà sữa có rất nhiều kiến thức chung có thể trao đổi. Cà phê là một Chuyên môn – nếu không muốn nói là một Chuyên môn đang được chú tâm phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay. Ẩm thực Chay là một Chuyên môn mới nổi, và Bánh ngọt lại là một Chuyên môn đặc thù hoàn toàn khác. Dần dần, mình bắt đầu hiểu tại sao trên thị trường không có một group dành riêng cho ngành F&B đủ lớn mạnh và sôi nổi như Yêu Bếp hay Nghiện Nhà. Bởi những người trong group ấy tuy kinh doanh chung một ngành, nhưng lại không có nhiều kiến thức giá trị để chia sẻ với nhau đến thế. Khi các kiến thức chỉ vừa đủ ở góc độ bề mặt, cộng đồng không có đủ sức mạnh nội tại để phát triển.
Hãy thử nhìn vào Yêu Bếp. Group Yêu Bếp thực sự là group dành cho cộng đồng những người yêu-bếp với không chỉ nhiều những công thức mới mẻ, ngon lành, mà còn cả những tips dọn bếp, chế biến, câu chuyện được chia sẻ với những người giỏi nấu bếp. Bạn gần như sẽ không thấy các bài viết không có nội dung, gossip mông lung, than thân trách phận vốn rất thu hút comment nhưng lại rất ít giá trị ở group này. Ở group Yêu Bếp, mình tin bạn sẽ tìm thấy ít nhất 20 công thức biến thể của món sườn xào chua ngọt của 20 thành viên gạo cội thích nấu món Việt, khác hẳn với các công thức dễ dàng google được trên mạng và đã được kiểm chứng thông theo thời gian. Một người từ không biết gì về bếp núc, tới một người giỏi nấu ăn và làm trong ngành F&B lâu năm cũng đều có thể tìm thấy kiến thức mới khi bước vào Yêu Bếp – đấy là một trong những cách mình đánh giá chất lượng chiều sâu của group. Ứng dụng tư duy này vào một group F&B, mình thấy điều đó khó có thể đạt được bởi sự phân hoá quá rõ nét trong các nhóm Chuyên môn khác nhau. Các bài viết có tính bề mặt thì quá dễ dàng google để mà bạn phải tham gia vào một group, còn các bài viết chuyên môn thì lại quá khó tìm.
Một Cộng đồng hiệu quả dành cho người làm trong ngành F&B, bởi vậy với cá nhân mình không bao giờ có thể là một cộng đồng hàng triệu thành viên (Cộng đồng khách hàng thì có thể và đã có rồi, nhưng ta sẽ nói chuyện này sau). Ngược lại, nó nên càng nhỏ càng tốt. Nó nên là những Cộng đồng tập trung vào yếu tố Chuyên môn rõ nét nhất có thể – ở đó, bạn mới có thể tạo nên giá trị cộng đồng đích thực, cho dù bạn chỉ có vài trăm hay vài ngàn thành viên.
2. Khối Cộng đồng cùng Phát triển, thực ra cũng tương tự như vậy.
Có rất nhiều cách để các thương hiệu cùng phát triển, và trong khuôn khổ bài viết hôm nay mình sẽ tiếp cận ở góc độ truyền thông. Việc độc thoại trong bối cảnh thị trường ngày nay không còn đủ an toàn nữa, và việc hợp tác với các thương hiệu khác là một bước đi tất lẽ dĩ ngẫu khi bạn mong muốn phát triển bền vững tại thị trường mình đã chọn.
Khối Cộng đồng cùng Truyền thông có thể được hình dung qua một ví dụ quen thuộc: Collaboration – hợp tác giữa 2 hoặc nhiều thương hiệu để thúc đẩy truyền thông cho mọi thương hiệu tham gia. Có rất nhiều điều có thể nói về Collaboration mà mình sẽ để dành cho khoá F&B Marketing Plan phiên bản mới, và trong hôm nay mình muốn khai thác một ý duy nhất này: việc hợp tác luôn cần được quyết định dựa trên mức độ tương đồng trong tập khách hàng mục tiêu. Bạn có thể là một nhà hàng fine dining và quyết định hợp tác với một tiệm burger, và điều đó vẫn hoàn toàn ổn nếu khách hàng mục tiêu của các bạn có sự tương đồng trong khả năng chi tiêu, trải nghiệm hương vị yêu thích, cũng như các giá trị tinh thần họ tìm kiếm mỗi khi đi ăn. Tuy nhiên hãy lưu ý:
Phổ sản phẩm càng hẹp, thì chiều sâu ảnh hưởng càng tăng
Câu ấy có nghĩa là gì? Có lẽ nhìn qua ví dụ thì dễ hơn. Cũng như khối Cộng đồng cùng Chuyên môn, việc gom các thương hiệu với rất nhiều sản phẩm khác nhau có lẽ sẽ hợp để mở flea market cho khách hàng ghé qua vào cuối tuần hơn là tạo ra một ấn tượng đặc sắc về bất cứ cá nhân nào. Còn nếu sản phẩm giới hạn, thì câu chuyện bạn kể được lại sâu sắc hơn. Thế nhưng như một lẽ thông thường, chúng ta hay e ngại việc ấy. Đồ ăn thì nên collab với thương hiệu đồ uống, đồ mặn thì collab với bánh ngọt sẽ “tốt” hơn, đỡ va chạm hơn. Nhưng có thực sự là vậy không?
Gần đây mình có để tâm tới Coffee Treasure Hunt, được tổ chức bởi Kosmos (IG @at.kosmos) nhân dịp sinh nhật tròn 1 tuổi của thương hiệu. Nhân dịp này, Kosmos kết hợp với 7 thương hiệu cafe khác (STILL COLOR Cafe, Room501 Roastery, Chani, Untitled Espresso Hanoi, Socio Coffee, Kohibito Specialty Coffee, và ACID8 Specialty Coffee) để tổ chức “truy tìm kho báu”. Luật chơi rất đơn giản: hãy nhận bản đồ tại 1 trong 8 quán cafe trên, lần lượt tới đủ cả 8 quán để hoàn thành thử thách tại từng quán, sau đó đưa tấm bản đồ đã được đánh dấu hoàn thành tất cả thử thách về Kosmos để nhận phần quà. Các thử thách cũng không hề nhàm chán đâu: từ việc xoa đầu chú chó ngoài cửa, tới việc tập trung vào hơi thở của mình trong 5 phút, và cũng không thể thiếu việc thưởng thức những ly cafe khác nhau đến từ mọi thương hiệu.
Khi mới nhìn thấy cuộc chơi này, mình đã ngay lập tức cảm thấy thú vị. Cá nhân mình tin Kosmos, hay cả 8 thương hiệu trong cuộc chơi này, đang đi đúng hướng. Thay vì nhìn những người kinh doanh cùng sản phẩm với mình là đối thủ, tên gọi đúng đắn hơn của họ là đồng nghiệp. Mình tin rằng việc hợp tác giữa những thương hiệu kinh doanh cùng sản phẩm (vâng, hay còn gọi là giữa một “khối Cộng đồng cùng Chuyên môn”) thực chất sẽ tiếp cận sâu sắc hơn tới nhóm khách hàng mục tiêu đặc thù của dòng sản phẩm ấy. Rằng khi tất cả đang làm tốt đồng đều sản phẩm, thì chúng ta sẽ chỉ còn những cốc cafe khác nhau, những trải nghiệm khác nhau, những sở thích cá nhân khác nhau chứ không còn “dở hơn” hay “ngon hơn” một cách tuyệt đối nữa. Và rằng từ ấy, sẽ tạo nên một kết nối vô hình giữa cộng đồng thương hiệu với cộng đồng khách hàng mạnh mẽ hơn.
Một khối Cộng đồng cùng Phát triển, bởi vậy cũng khó mà có thể quá to lớn. Sự khác biệt trong sản phẩm, tập khách hàng, chi phí và mức chất lượng hướng tới sẽ tạo nên những ranh giới rõ nét trong cộng đồng này. Nhưng không sao cả. Cộng đồng này cũng chẳng cần phải đông người, mà ngược lại, có khi vắng vẻ một chút thì chất lượng mới sâu. Cá nhân mình nghĩ quan trọng là sự đồng lòng muốn bắt đầu – muốn kết nối, muốn chia sẻ, muốn cùng phát triển và bỏ qua những định kiến “đối thủ” vốn đã quen thuộc nhưng cũ kỹ.
Có như vậy, tất cả chúng ta mới cùng phát triển được nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn.
Hà Chu,
Founder COOKED F&B Business School
Kommentarer