top of page

Hình mẫu Thương hiệu: Người Khởi Tạo

Updated: Apr 27, 2022

Bài viết thuộc chuỗi bài chủ đề 12 Hình mẫu Thương hiệu.


Người Khởi Tạo là hình mẫu con người luôn hành động theo cảm hứng sáng tạo – nhưng đồng thời cũng biết kiểm soát giới hạn của bản thân. Sự cân bằng này tạo nên những thương hiệu và doanh nghiệp coi trọng giá trị của trí tưởng tượng, việc được thể hiện bản thân, và tư duy sáng tạo. Phần lớn những thương hiệu mang hình mẫu Người Khởi Tạo kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, công nghệ, và marketing.


TỔNG QUAN VỀ HÌNH MẪU NGƯỜI KHỞI TẠO

Người Khởi Tạo (NKT) là những người mang ý tưởng mới đến cho thế giới, và tạo nên nếp sống mới bằng cách tạo nên những thứ chưa từng có trước đây vào trong cuộc sống hàng ngày. NKT thường là những người cảm nhận được sự kiêu hãnh và trọn vẹn trong cuộc sống thông qua quá trình sáng tạo và cả kết quả của những sáng tạo ấy. Nghệ sĩ, nhà văn, hay những người khởi nghiệp đều mang những biểu tượng của NKT. Tất cả những người ấy đều coi trọng việc được sáng tạo và được tự do thể hiện bản thân trong cuộc sống.


Những người thuộc hình mẫu này hiển nhiên không thích bị gò ép. NKT thường khao khát sự tự do trong diễn đạt, và không muốn bị hạn chế bởi những thước đo thông thường. Sâu thẳm trong mỗi NKT là một mong muốn tạo nên một thứ gì đó hữu hình chưa-từng-tồn-tại trước đây. Việc tìm cách tạo ra thứ ấy là cách để NKT cảm thấy họ nắm toàn quyền kiểm soát, trong một thế giới đã hoàn toàn mất kiểm soát.


HÌNH MẪU NGƯỜI KHỞI TẠO

Mục tiêu của NKT: Tạo nên một thứ hữu hình từ một ý tưởng/ một tầm nhìn mới.


Khát khao của NKT: Tạo ra một sản phẩm đủ khác biệt để tạo nên một giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống.


Nỗi sợ của NKT: Có một tầm nhìn tầm thường, triển khai kém cỏi.


Lối sống của NKT: Tập trung vào việc phát triển năng lực nghệ thuật và/hoặc kỹ thuật.


HÌNH MẪU NGƯỜI KHỞI TẠO TRONG THƯƠNG HIỆU

Đây là hình mẫu dễ sử dụng nhất đối với các thương hiệu truyền thông, công nghệ hay thiết kế. Về cơ bản, mọi thương hiệu hướng tới việc tạo ra một cái gì đó mới mẻ từ những điều bình thường hoặc thậm chí đã lỗi thời, đều có phần thuộc hình mẫu NKT. Thương hiệu được “gắn mác” NKT có thể kể tới Apple, Sony, YouTube hay Tik Tok.


Cách marketing cho thương hiệu NKT cần mang rất nhiều cảm xúc đặc thù của từng thương hiệu. Những thương hiệu tập trung vào sản phẩm thường coi sản phẩm của họ chính là một tác phẩm nghệ thuật, có thể gợi lên cảm xúc ngưỡng mộ và sự trân trọng từ khách hàng. Thêm vào đó, văn hoá nội bộ của những thương hiệu này cũng luôn đề cao giá trị của sự sáng tạo và đột phá.


Thông thường cách vận hành của những công ty mang hình mẫu NKT luôn nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và đổi mới trong bộ máy nhân sự của mình. Cách làm việc thường gặp nhất trong các công ty này dễ dàng được nhìn thấy là làm việc nhóm và những buổi brainstorm (cùng suy nghĩ, sáng tạo về một vấn đề gì đó). Trong những buổi họp này, văn hoá công ty đề cao suy nghĩ độc lập và tự do sáng tạo của từng nhân viên, bất kể vai trò hay vị trí của họ.


CÁC CẤP ĐỘ CỦA HÌNH MẪU CON NGƯỜI THƯƠNG HIỆU NKT

Mỗi hình mẫu trong 12 hình mẫu con người thương hiệu đều có các cấp độ khác nhau. Cấp độ càng thấp, thì con người thương hiệu càng “thô sơ”. Cấp độ càng cao, thì thương hiệu càng thể hiện rõ sự phát triển của mình.

Cấp độ 1: Ở mức thấp nhất, NKT chỉ đơn thuần là những người có tính sáng tạo. Họ chưa thực sự vượt ra khỏi vùng an toàn và trở nên thực sự đột phá bởi sự sáng tạo thường xuất phát từ việc học hỏi và bắt chước lại người khác.


Cấp độ 2: Một khi NKT vượt qua được giới hạn ban đầu và có những ý tưởng thực sự của riêng mình, họ bắt đầu trở nên “thật” hơn. Thay vì dựa vào sự sáng tạo của người khác, họ tự nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo mới và hiện thực hoá chúng.


Cấp độ 3: Ở mức cao nhất, NKT tập trung vào việc tạo ra những đột phá thực sự, và sự thể hiện đúng cách mình mong muốn. Họ đạt được mức độ này khi tạo ra được một thứ gì đó thực sự tồn tại được, và mang lại ảnh hưởng lên xã hội.


Ví dụ về thương hiệu sử dụng hình mẫu Người Khởi Tạo

Adobe

Với những sản phẩm như PhotoShop, InDesign, Premiere, Adobe là ví dụ tiêu biểu của hình mẫu NKT. Bản thân sản phẩm của họ không chỉ sáng tạo và đột phá, mà còn nuôi dưỡng và tạo nền tảng phát triển cho những nét tính cách ấy trong khách hàng của họ.


Thương hiệu của bạn có phải là một Người Khởi Tạo không?

Nếu thương hiệu của bạn luôn luôn hướng tới việc tạo nên những ý tưởng đột phá, sự sáng tạo, và sản phẩm “thật” của riêng mình, thì chắc hẳn nó đang mang trong mình hình mẫu NKT. Còn nếu bạn cảm thấy thương hiệu của mình không theo đuổi cùng một đích đến với NKT, bạn có thể tìm hiểu thêm về 11 hình mẫu thương hiệu còn lại để xem mình là ai :)


Bài viết được viết bởi Jonah Ericksen, và biên dịch bởi COOKED.



354 views0 comments
bottom of page