top of page

Hình mẫu Thương hiệu: Người Học Giả

Updated: Apr 27, 2022

Bài viết thuộc chuỗi bài chủ đề 12 Hình mẫu Thương hiệu.


TỔNG QUAN VỀ HÌNH MẪU NGƯỜI HỌC GIẢ (NHG)

Hình mẫu NHG được tạo nên xoay quanh kiến thức và sự thật. Đối với NHG, chìa khoá để đến với thành công là thu thập thông tin không ngừng nghỉ, và theo đuổi đến tận cùng sự thật. Hình mẫu con người này là tuýp người tin rằng chúng ta có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách tìm kiếm những thông tin thực tế, xác đáng, và chia sẻ chúng với những người xung quanh. Bởi vậy, các thương hiệu trong hình mẫu NHG thường là những thương hiệu giúp nâng cao nhận thức của khách hàng về một vấn đề chung, tránh tuyệt đối sự mông lung, không rõ ràng, sai sự thật, cũng như tránh thể hiện sự ngây ngô trong bản thân thương hiệu và khách hàng.


NHG thường là hình mẫu con người giàu động lực hành động. Tuy nhiên, hành trình tìm đến tận cùng sự thật một cách cực đoan của NHG có thể phức tạp tới mức dẫn tới việc “bội thực” thông tin và mất đi khả năng phân tích sáng suốt – điều này cản trở NHG đưa ra quyết định hành động, cho dù mang trong mình rất nhiều kiến thức.

HÌNH MẪU NGƯỜI HỌC GIẢ

  • Niềm tin của NHG: Sự thật mang tới tự do.

  • Khát khao của NHG: Khám phá ra tận cùng sự thật.

  • Mục tiêu của NHG: Sử dụng trí tuệ của mình để thấu hiểu thế giới

  • Nỗi sợ của NHG: Bị lừa gạt. Và sợ cả sự thờ ơ, không quan tâm.

  • Lối sống của NHG: Luôn tìm kiếm thông tin, tìm cách thấu hiểu các quy trình.

  • Năng khiếu của NHG: Trí khôn

  • Động lực hành động của NHG: Sự độc lập trong cuộc sống và Sự hoàn thiện trong chính con người mình.


Những thương hiệu sử dụng hình mẫu NHG thường được nhìn nhận như những “chuyên gia”. Những thương hiệu này thường cung cấp thông tin và định hướng khách hàng của mình, giúp họ đưa ra những lựa chọn đúng. Oprah Winfrey, Đại học Harvard, Toà báo The New York Times, kênh thông tin CNN là những ví dụ của thương hiệu mang hình mẫu NHG. Họ tự giao cho mình trách nhiệm là những người dẫn dắt, người định hướng cho khách hàng một lối đi đúng đắn giữa một thế giới đầy hoang mang, nhiều giả dối và quá nhiều lựa chọn.


Bất cứ công ty nào kinh doanh dựa trên những gì họ đạt được thông qua phân tích dữ liệu, sở hữu thông tin/ trí tuệ, từ đó nâng cấp trải nghiệm hoặc phân phối thông tin đều có thể tìm thấy trong con người thương hiệu của mình một phần NHG. Ví dụ về những công ty này có thể kể đến công ty truyền hình, doanh nghiệp giáo dục, các tập đoàn nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các hiệu sách, các bảo tàng và thư viện.


Những thương hiệu định vị bản thân là NHG thường sử dụng những nội dung marketing ngắn gọn, chỉn chu và trau chuốt. Họ sẽ không nhấn mạnh nhiều vào những tính từ hoa mỹ hay thổi phồng giá trị sản phẩm.


Những thương hiệu NHG thường hướng tới những tông màu trung tính như xanh ghi, xanh navy, hay trắng cho thiết kế và logo của họ. Một số thương hiệu NHG sẽ có xu hướng xây dựng chiến lược truyền thông dựa trên việc những vấn đề đang nổi cộm trong cuộc sống để khiến khách hàng dễ dàng chú ý tới sản phẩm.


Những thương hiệu NHG không bao giờ làm marketing một cách “phổ thông”, hay cố gắng làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu với tất cả mọi người. Điều đó đôi khi có thể bị nhìn nhận là không tôn trọng khách hàng mục tiêu của họ – những người có tri thức và luôn theo đuổi việc có thêm tri thức. Thương hiệu NHG sẽ tập trung vào giáo dục khách hàng, cung cấp thông tin, và đôi khi là cả sự “độc quyền”, giới hạn số người có thể tiếp cận với sản phẩm. (Ví dụ: một trường Ivy League sẽ không bao giờ cố gắng nhận càng đông học viên càng tốt, mà chỉ những người tốt nhất, phù hợp nhất mới được nhận vào trường.)


CÁC CẤP ĐỘ CỦA HÌNH MẪU CON NGƯỜI THƯƠNG HIỆU NHG

Mỗi hình mẫu trong 12 hình mẫu con người thương hiệu đều có các cấp độ khác nhau. Cấp độ càng thấp, thì thương hiệu càng ít phức tạp. Cấp độ càng cao, thì thương hiệu càng thể hiện rõ sự phát triển của mình.

Cấp độ 1: Bắt đầu “cuộc săn đuổi” kiến thức bằng cách tìm kiếm các chuyên gia để mang tới sự khách quan và một lời giải thích xác đáng.

Cấp độ 2: Hướng tới việc trở thành chuyên gia trong ngành thông qua khả năng tư duy độc lập và phân tích dữ liệu.

Cấp độ 3: Được công nhận là một chuyên gia thông qua kiến thức và mức độ uy tín, tin tưởng có được trong ngành.


Ví dụ về thương hiệu sử dụng hình mẫu Người Học Giả

Đại học Harvard


Đại học Harvard nêu rõ trên website của mình: “Đại học Harvard dành trọn tâm huyết của mình để trở nên xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu, và đào tạo nên những người đi đầu trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ đó tạo nên một sự khác biệt cho thế giới.”. Sự tận tâm của Harvard dành cho tri thức và sự phân tích, phát triển đã đưa họ trở thành một ví dụ hoàn hảo cho hình mẫu Người Học Giả của thương hiệu.


Thương hiệu của bạn có phải là một Người Học Giả không?

Nếu thương hiệu của bạn đặt tri thức, sự thật, sự nghiên cứu phát triển lên hàng đầu, thì chắc hẳn nó đang mang trong mình hình mẫu NHG. Còn nếu bạn cảm thấy thương hiệu của mình không theo đuổi cùng một đích đến với NHG, bạn có thể tìm hiểu thêm về 11 hình mẫu thương hiệu còn lại để xem mình là ai :)


Bài viết được viết bởi Lily Tillman, và biên dịch bởi COOKED.



173 views0 comments
bottom of page